THỦY ĐIỆN SẼ KHÔNG GIẢI QUYẾT ĐƯỢC KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU, NHƯNG CÁC CON ĐẬP MỚI XÂY DỰNG CÓ THỂ DẪN ĐẾN CUỘC CHIẾN TRANH GIÀNH NGUỒN NƯỚC


hanhtinhtitanic
THỦY ĐIỆN SẼ KHÔNG GIẢI QUYẾT ĐƯỢC KHỦNG...

Những dòng sông cạn kiệt trong khi các siêu cường tranh giành vị trí [địa chính trị], hy vọng kiểm soát những gì còn lại của nguồn tài nguyên trên thế giới.

Bài được viết bởi Joshua Frank trên TruthOut, tại:
Hydropower Won’t Solve the Climate Crisis, But New Dams May Lead to Water Wars

Joshua Frank là một cây viết đóng góp thường xuyên cho TomDispatch – một dự án không chính thức nhằm cung cấp các bài bình luận và sưu tầm với mục tiêu cung cấp “liều thuốc giải độc thường xuyên cho giới truyền thông dòng chính (mainstream media).” Ông là nhà báo từng đoạt giải thưởng ở California và là một trong hai tổng biên tập cùng quản lý tờ báo điện tử CounterPunch. Ông cũng là tác giả của cuốn sách mới mang tựa đề: Những Ngày Nguyên tử: Câu chuyện Chưa kể về Nơi Độc hại nhất ở Mỹ (” Atomic Days: The Untold Story of the Most Toxic Place in America” – NXB Haymarket Books).

Ảnh chụp con đập Roseires trên sông Blue Nile tại al-Damazin ở phía Đông Nam Sudan vào ngày 27 tháng 11 năm 2020. Nguồn ảnh: EBRAHIM HAMID / AFP THÔNG QUA GETTY IMAGES

Chúng ta đang sống trong một thế giới cực kỳ nguy hiểm và chết chóc. Những đợt nắng nóng kỷ lục, hạn hán dữ dội, các cơn bão mạnh hơn, lũ quét chưa từng có. Không nơi nào trên hành tinh này thoát khỏi cơn thịnh nộ của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu do con người gây ra, và nguồn nước ngọt trên Trái Đất cũng đã cảm nhận được sức ép của thực tại mới này. Hơn một nửa số hồ chứa2/3 số sông ngòi trên thế giới đang cạn kiệt, đe dọa hệ sinh thái, đất nông nghiệp và các nguồn cung cấp nước uống. Những loại tài nguyên bị suy giảm như vậy cũng có khả năng dẫn đến xung đột và thậm chí, một cuộc chiến tranh toàn diện.

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Global Environmental Change (Thay đổi Môi trường Toàn cầu) vào năm 2018 đã cảnh báo:

“Cạnh tranh về nguồn tài nguyên nước có giới hạn là một trong những mối quan tâm chính trong các thập kỷ tới. Mặc dù riêng vấn đề về nước thì không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra các cuộc chiến tranh trong quá khứ, nhưng tình trạng căng thẳng về quản lý và sử dụng nguồn nước ngọt là một trong những mối quan tâm chính trong quan hệ chính trị giữa… các quốc gia, có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng hiện có, gia tăng sự bất ổn trong khu vực và biến loạn xã hội.”

Tình hình hiện nay còn hơn cả nguy cấp. Vào năm 2023, người ta ước tính rằng có tới ba tỷ người, tương đương hơn 37% nhân loại, phải đối mặt với tình trạng thiếu nước thực sự, và đây là một cuộc khủng hoảng được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn đáng kể trong những thập kỷ tới. Thật là nghịch lý trong khi nguồn nước đang biến mất, thì những con đập thủy lợi khổng lồ — hơn 3.000 đập nước trong số đó — với điều kiện dòng chảy nước sông đủ để vận hành, hiện đang được xây dựng với tốc độ chưa từng có trên toàn cầu. Hơn nữa, 500 con đập đang được xây dựng tại các khu vực được bảo vệ hợp pháp như công viên quốc gia và khu bảo tồn động vật hoang dã. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc (UN) tuyên bố rằng có những lý lẽ biện hộ cho điều này từ vài năm trước. Người ta tin rằng những dự án như vậy sẽ giúp chống lại biến đổi khí hậu bằng cách hạn chế lượng khí thải carbon dioxide, đồng thời cung cấp điện cho những bên có nhu cầu lớn nhất. IPCC viết vào năm 2018 như sau:

“[Thủy điện] vẫn là nguồn cung ứng năng lượng tái tạo lớn nhất trong ngành sản xuất năng lượng điện. Bằng chứng cho thấy mức độ triển khai [thủy điện] tương đối cao trong 20 năm tới đều mang tính khả thi, và thủy điện sẽ vẫn là nguồn cung ứng năng lượng tái tạo hấp dẫn trong bối cảnh [áp dụng] các kịch bản giảm thiểu [phát thải khí nhà kính] trên toàn cầu.”

IPCC thừa nhận rằng nạn hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến dòng chảy [sông ngòi] và biến đổi khí hậu đang làm tình trạng này trở nên tồi tệ hơn một cách khó lường. Tuy nhiên, giới chuyên gia khí hậu vẫn cho rằng thủy điện có thể là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của thế giới, bằng việc lập luận rằng một đập thủy điện sẽ tạo ra nguồn năng lượng dường như vô tận. Đồng thời, các nguồn tái tạo khác như năng lượng gió và năng lượng mặt trời cũng có những hạn chế về thời tiết và lượng ánh sáng mặt trời.

Vết nứt trong Logic Xây Đập

Dù được đề cập đến trong thiện chí và có thể mang ý hướng tốt, nhưng thực tế đã trở nên rõ ràng hơn nhiều khi xuất hiện đổ vỡ rạn nứt trong đánh giá của IPCC. Điều lớn nhất chính là, nghiên cứu [khoa học] gần đây cho thấy các đập thủy điện có thể tạo ra lượng phát thải khí nhà kính làm thay đổi khí hậu ở mức đáng báo động. Thảm thực vật mục nát ở dưới đáy các hồ chứa nước [khổng lồ] như vậy, đặc biệt là ở những vùng có nền khí hậu ấm hơn (như ở phần lớn Châu Phi), đang thải ra một lượng đáng kể khí methane – loại khí gây hiệu ứng nhà kính có sức tàn phá lớn – vào bầu khí quyển.

Fred Pearce – cây viết kỳ cựu về các vấn đề môi trường toàn cầu – đã giải thích như sau trên tờ báo điện tử Independence (Vương quốc Anh):

“Dĩ nhiên là hầu hết các thảm thực vật đều đang mục rữa. Tuy nhiên, nếu không nằm trong hồ chứa nước, quá trình phân hủy này sẽ xảy ra chủ yếu trong không khí bình thường hoặc ở các sông hoặc hồ có đủ lượng oxygen. Sự hiện diện của oxy sẽ đảm bảo lượng carbon trong thực vật hình thành nên khí carbon dioxide. Nhưng rất nhiều hồ nước thủy lợi, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới, chứa rất ít oxy. Trong điều kiện yếm khí đó, thảm thực vật mục rữa sẽ tạo ra khí methane [thay vì là carbon dioxide].”

Mặc dù CO2 cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến nền khí hậu nhưng lượng khí thải methane còn tệ hơn nhiều trong một khoảng thời gian ngắn.

Ts. Bridget Deemer thuộc Khoa Môi trường của Đại học Washington State ở Vancouver (Canada), tác giả chính của một nghiên cứu được trích dẫn nhiều về phát thải khí nhà kính từ các hồ chứa thủy lợi, cho biết:

“Chúng tôi ước tính rằng các con đập thải ra một lượng khí methane trên một đơn vị diện tích nhiều hơn khoảng 25% so với con số trước đây. Khí methane chỉ được lưu lại trong bầu khí quyển trong khoảng một thập kỷ, trong khi khí CO2 có khả năng tồn tại đến vài thế kỷ, nhưng với khoảng thời gian 20 năm đó, khí methane gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu gần gấp ba lần so với khí CO2.”

Và chuyện đó hầu như không phải là vấn đề duy nhất mà các con đập phải đối mặt trong thế kỷ 21 này. Hiện tại, nguồn tài chính của Trung Quốc là động lực toàn cầu lớn nhất cho việc xây dựng các thủy điện mới. Trung Quốc đã đầu tư xây dựng ít nhất 330 con đập ở 74 quốc gia. Mỗi dự án đặt ra những tình huống khó khăn riêng về vấn đề môi trường. Nhưng trên hết, tình trạng nóng lên của hành tinh – năm ngoái [2023] là năm ấm nhất trong lịch sử loài người và tháng 1/ 2024 là tháng Một có nền nhiệt nóng kỷ lục – đang khiến nhiều khoản đầu tư đó ngày càng trở nên đáng ngờ. Ví dụ như: trong một thế giới ngày càng nóng hơn, đợt hạn hán ở Ecuador thường ảnh hưởng đến chức năng của con đập Amaluza trên dòng sông Paute, nơi cung cấp 60% điện năng cho quốc gia này. Gần đây con đập trên dòng Paute đã chỉ hoạt động ở mức 40% công suất [thiết kế] vì dòng chảy của con sông đang giảm dần. Tương tự, ở miền Nam Châu Phi, mực nước tại hồ chứa của đập Kariba, nằm giữa hai quốc gia Zambia và Zimbabwe, đã dao động mạnh mẽ, làm suy giảm khả năng sản xuất nguồn năng lượng [điện] ổn định.

Ts. Jacques Leslie viết trên tập san điện tử Yale E360 như sau:

“Trong những năm gần đây, nạn hạn hán gia tăng do biến đổi khí hậu đã khiến mực nước ở các hồ chứa thủy lợi trên cả năm châu lục⁠ giảm xuống dưới mức cần thiết để duy trì sản xuất thủy điện, và vấn đề chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng”.

Ngay cả ở Hoa Kỳ, khả năng tồn tại của ngành thủy điện cũng ngày càng đáng quan ngại. Ví dụ như, đập thủy điện Hoover trên dòng sông Colorado đã bị ảnh hưởng bởi nhiều năm hạn hán. Mực nước tại hồ chứa chính của đập này, Hồ Mead, tiếp tục giảm mạnh, làm dấy lên lo ngại rằng ngày tàn của con đập đang được đếm lùi. Điều tương tự cũng xảy ra với Đập Glen Canyon, cũng là một con đập chặn dòng Colorado, hình thành nên Hồ chứa Powell. Khi dòng Colorado cạn kiệt, đập Glen Canyon cũng có thể mất khả năng sản xuất điện.

Do nguồn nước cạn kiệt, cuộc khủng hoảng thủy điện trên toàn cầu đã trở thành điểm nóng ở những vùng xa xôi tại Bắc Phi, nơi việc xây dựng một con đập khổng lồ rất có thể sẽ dẫn đến chiến tranh khu vực và điều tồi tệ hơn nữa.

HÀNH TINH TITANIC

Nếu các bạn thấy thông tin của chúng tôi hữu ích cho việc chuẩn bị thích nghi với khủng hoảng khí hậu, hãy chia sẻ và giới thiệu cho mọi người trong cộng đồng. Bạn cũng có thể góp phần vào xây dựng nội dung cho Hành tinh Titanic bằng cách tự nguyện cam kết gửi tặng một khoản tiền nhất định hàng tháng cho chúng tôi tại:
https://paypal.me/HanhtinhTitanic

Cuộc Khủng hoảng trên sông Nile

Huyết mạch của vùng Đông Bắc Châu Phi, con sông Nile, chảy qua 11 quốc gia trước khi đổ ra biển Địa Trung Hải. Với chiều dài 6.650 km, sông Nile có thể là con sông dài nhất trên Trái đất. Trong nhiều thiên niên kỷ, dòng nước uốn khúc chảy qua những khu rừng tươi tốt và sa mạc khô cằn này đã tưới tiêu cho các vùng đất nông nghiệp và cung cấp nước uống cho hàng triệu người dân. Gần 95% trong số dân 109 triệu người của Ai Cập sống cách sông Nile chỉ vài ki-lô-mét. Được xem là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng bậc nhất ở Châu Phi, hiện sông Nile đang là tâm điểm của một cuộc tranh chấp địa chính trị giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan, đẩy các quốc gia này đến bờ vực xung đột quân sự.

Một con đập lớn đang được xây dựng dọc theo dòng Blue Nile, một phụ lưu chính của con sông, đang làm đảo lộn hiện trạng trong khu vực, nơi Ai Cập từ lâu đã là quốc gia chiếm ưu thế về hạ lưu. Đập lớn Phục hưng Ethiopia (Grand Ethiopian Renaissance Dam, viết tắt là GERD) sẽ trở thành một trong những con đập thủy điện lớn nhất từng được xây dựng, với chiều dài hơn 1.700 mét và chiều cao 145 mét, như một tượng đài mà ở đó, sẽ có nhiều người dân ngưỡng mộ, nhưng cũng có những người dân khác ghét cay ghét đắng.

Chắc chắn là, Ethiopia cần nguồn điện mà đập GERD sẽ sản xuất. Gần 45% người dân Ethiopia thiếu điện thường xuyên và đập GERD hứa hẹn sẽ sản xuất được tới 5,15 gigawatt điện. Để dễ hình dung, một gigawatt điện cung cấp được năng lượng hàng năm cho 876.000 hộ gia đình ở Hoa Kỳ. Việc xây dựng con đập bắt đầu vào năm 2011 và đã hoàn thành 90% [hạng mục công trình] vào tháng 8 năm ngoái [2023] khi nó bắt đầu được đưa vào sản xuất điện. Tổng cộng, chi phí xây dựng GERD dự kiến ​​sẽ vượt qua 5 tỷ USD, khiến công trình này trở thành dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất mà Ethiopia từng thực hiện được và là con đập lớn nhất trên lục địa Châu Phi.

Nó không chỉ mang lại sức mạnh đáng tin cậy cho đất nước này mà còn hứa hẹn một sự thay đổi văn hóa được nhiều người dân hoan nghênh. Bà Filsan Abdi thuộc Bộ quản lý Phụ nữ, Trẻ em và Thanh niên Ethiopia (Ethiopian Ministry of Women, Children, and Youth) cho biết:

“Những người mẹ phải sinh con trong bóng tối, những cô gái phải đi kiếm củi thay vì được đi học — chúng tôi đã chờ đợi điều này trong rất nhiều năm — hàng thế kỷ rồi. Khi tuyên bố rằng Ethiopia sẽ trở thành ngọn hải đăng của thịnh vượng, thì điều đó bắt đầu từ chỗ này đây.”

Trong khi hầu hết người dân Ethiopia có thể nhìn nhận con đập theo hướng tích cực, thì các quốc gia ở hạ lưu con sông như Ai Cập và Sudan (vốn đang bị lôi kéo vào một cuộc nội chiến tàn khốc) lại chưa bao giờ được tham vấn, và giới quan chức của họ tỏ ra giận dữ. Cái hồ chứa khổng lồ đằng sau bức tường thành xi măng vĩ đại của đập GERD sẽ giữ lại 74 tỷ mét khối nước. Điều đó có nghĩa là Ethiopia sẽ có quyền kiểm soát đáng kể dòng chảy của con sông Nile, trao cho giới lãnh đạo [quốc gia này] quyền lực quyết định mức độ tiếp cận nguồn nước mà cả người Ai Cập và Sudan được hưởng. Xét cho cùng, dòng phụ lưu Blue Nile cung ứng 59% nguồn nước ngọt cho Ai Cập.

Thực tế là, nước ngọt ở Ai Cập từ lâu đã ngày càng trở nên khan hiếm, và do đó, giới lãnh đạo quốc gia này đã coi mối đe dọa của đập GERD là nghiêm túc trong nhiều năm. Ví dụ như: vào năm 2012, Wikileaks đã nhận được nhiều email nội bộ từ công ty dịch vụ “tình báo toàn cầu” Stratfor tiết lộ rằng, Ai Cập và Sudan khi đó thậm chí còn cân nhắc chỉ đạo Lực lượng Quân sự Đặc biệt của Ai Cập (Egyptian Special Forces) phá hủy con đập, khi nó vẫn đang trong giai đoạn đầu xây dựng. Một nguồn tin từ cấp cao của Ai Cập cho biết: “[Chúng tôi] đang thảo luận về [khả năng] hợp tác quân sự với Sudan”. Trong khi một cuộc tấn công trực tiếp như vậy chưa bao giờ xảy ra, thì Stratfor tuyên bố rằng Ai Cập có thể một lần nữa hỗ trợ cho “các nhóm chiến binh ủy nhiệm chống lại Ethiopia” (như đã từng xảy ra trong thập kỷ 1970 và 1980) nếu hoạt động ngoại giao đi vào ngõ cụt.

Thật không may, các cuộc đàm phán gần đây nhất nhằm xoa dịu sự thù địch xung quanh con đập GERD đã trở nên hết sức tồi tệ. Tháng 4 năm ngoái [2023], người Ai Cập đã phản ứng cay đắng trước việc không đạt được tiến bộ nào đáng kể, bằng cách tiến hành một cuộc tập trận quân sự kéo dài ba ngày với Sudan tại một căn cứ hải quân ở Biển Đỏ nhằm mục đích khiến giới quan chức Ethiopia lo sợ. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cảnh báo:

“Tất cả các lựa chọn đều đang được cân nhắc. [Tất cả] các lựa chọn thay thế vẫn đang có sẵn và nằm trong khả năng của người Ai Cập.”

Dường như không hề bối rối trước những mối đe dọa quân sự như vậy, Ethiopia vẫn lên kế hoạch hoàn thành việc xây dựng con đập, tuyên bố rằng nó sẽ cung cấp nguồn năng lượng rất cần thiết cho người dân Ethiopia nghèo khó và giúp hạn chế lượng khí thải carbon tổng thể của quốc gia này. Đại sứ quán Ethiopia ở Washington khẳng định thế này:

“Con đập [GERD] là đại diện cho một dự án kinh tế xã hội bền vững của Ethiopia: thay thế nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải CO2.”

Tuy nhiên, GERD được xếp vào loại đập có vấn đề lớn — và không chỉ vì nó có thể dẫn đến một cuộc chiến đẫm máu ở một khu vực vốn đã sẵn hỗn loạn vô cùng. Một khi đã được tích đầy [nước], hồ chứa khổng lồ này sẽ bao phủ một diện tích đáng kinh ngạc là 1.874 km vuông, bằng hơn 3/4 diện tích Hồ Great Salt Lake của bang Utah – Hoa Kỳ (sau khi hồ này bắt đầu co lại).

Thật không may, đập thủy điện GERD chưa bao giờ được thực hiện đánh giá tác động môi trường (EIA) một cách thích hợp mặc dù pháp luật yêu cầu phải làm như vậy. Không có bản EIA nào được thực hiện vì chính phủ Ethiopia khét tiếng tham nhũng biết rằng kết quả sẽ không như ý muốn và không sẵn lòng để bất kỳ rào cản nào cản trở việc xây dựng con đập, mà điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi có tới hơn 20.000 người bản địa Gumuz và Berta bị buộc phải rời bỏ chỗ ở lâu đời của họ để nhường chỗ cho con đập khổng lồ.

Việc công khai phản đối con đập đã chứng tỏ là một điều mạo hiểm. Nhân viên của International Rivers, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ những người dân đang gặp nguy hiểm bởi các con đập thủy lợi, đã bị quấy rối và nhận được những lời đe dọa thủ tiêu khi bày tỏ sự phản đối của họ. Reeyot Alemu – nhà báo nổi tiếng ở Ethiopia, một người luôn chỉ trích con đập và các hành vi của nhà cầm quyền liên quan đến dự án này, đã bị tống vào tù hơn bốn năm dựa theo luật chống khủng bố hà khắc.

Cuộc Chiến giữa Nguồn Nước và Nguồn Năng lượng Điện

Mặc dù dự án xây đập thủy điện GERD đã tạo ra một cuộc xung đột nguy hiểm, nó cũng nhận được những hỗ trợ thêm từ bàn tay quốc tế. Trung Quốc, quốc gia đóng vai trò then chốt trong việc cấp vốn cho các dự án thủy điện trên toàn cầu trong những năm gần đây, đã cấp số vốn 1,2 tỷ USD để giúp Ethiopia xây dựng đường dây truyền tải từ con đập này đến các vùng thị trấn lân cận. Vì nước này cũng đã đầu tư rất nhiều vào Ai Cập, nên Trung Quốc có vị thế tốt, hơn bất cứ quốc gia nào, để giúp [tạm thời] giải quyết vụ tranh chấp xung quanh GERD.

Giới phân tích quân sự ở Hoa Kỳ lập luận rằng, sự tham gia của Trung Quốc vào con đập là một phần trong chính sách nhằm đặt Hoa Kỳ vào thế bất lợi rõ rệt trong cuộc chạy đua khai thác khoáng sản đất hiếm dồi dào tại Châu Phi, từ các hang động chứa Cobalt ở Congo đến các mỏ Lithium rộng lớn ở sâu trong nội địa Ethiopia. Trung Quốc, “quốc gia thu nợ lớn nhất thế giới”, quả thực đã đổ rất nhiều tiền vào Châu Phi. Tính đến năm 2021, đây là chủ nợ lớn nhất của lục địa này, nắm giữ 20% tổng số nợ. Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế và ở Châu Phi — nước này có các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở 35 quốc gia tại Châu Phi — là yếu tố quan trọng để hiểu được phiên bản mới nhất của chủ nghĩa địa chính trị đế quốc trên toàn cầu.

Hầu hết các dự án đầu tư kinh doanh mạo hiểm ở Châu Phi của Trung Quốc đều có liên quan đến “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” (“Belt and Road Initiative”) của Bắc Kinh, một chương trình đề ra trong thế kỷ này nhằm tài trợ cho các thỏa thuận cơ sở hạ tầng trên khắp Á-Âu và Châu Phi. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế của nước này với Châu Phi đã bắt đầu với sự khởi xướng của nhà cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông từ thập niên 1950 và 1960, về việc thành lập một liên minh “Phi-Á” nhằm thách thức chủ nghĩa đế quốc phương Tây.

Vì vậy, nhiều thập kỷ sau, ý tưởng về một liên minh như vậy đóng vai trò quan trọng đối với tham vọng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc, mà giống như rất nhiều dự án mang tính đế quốc trước đây ở Châu Phi, có những nhược điểm đáng kể cho những bên [nhận tài trợ]. Các quốc gia đang phát triển rất cần vốn đầu tư, nên họ sẵn sàng chấp nhận những điều khoản và điều kiện cứng rắn từ Trung Quốc, ngay cả khi chúng đại diện cho phiên bản mới nhất của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới của thế kỷ vốn tập trung vào việc kiểm soát các nguồn tài nguyên phong phú của lục địa này. Điều này chắc chắn chính xác trong trường hợp các dự án đầu tư thủy điện của Trung Quốc ở những nơi như Đập Bui (Bui Dam) của Ghana và Đập Sông Công-Gô (Congo River Dam) ở Cộng hòa Congo, nơi các khoản vay trị giá hàng tỷ đô la được thế chấp bằng nguồn dầu thô ở Công-Gô và cây ca cao ở Ghana.

Vào năm 2020, Hoa Kỳ đã tham gia vào cuộc xung đột xung quanh dự án đập GERD một cách muộn màng, đe dọa cắt đi 130 triệu USD viện trợ cho các nỗ lực chống khủng bố của Ethiopia. Người Ethiopia tin rằng chuyện này có liên quan đến những tranh cãi về con đập, giống như [Washington] cũng đã làm vào tháng 6 năm 2023, khi chính quyền Biden chỉ đạo USAID ngừng tất cả các khoản hỗ trợ lương thực cho đất nước này (lên tới 2 tỷ USD), tuyên bố rằng số tiền này đã không đến tay người dân Ethiopia, chỉ để đảo ngược tiến trình [xây dựng con đập] sau nhiều tháng.

Vụ tranh chấp về con đập khổng lồ của Ethiopia sẽ là lời cảnh báo cho tương lai của một hành tinh ngày càng nóng hơn, khô hơn, nơi các dòng sông nuôi những con đập như GERD đang cạn kiệt, trong khi mọi siêu cường tiếp tục [cuộc đua] tranh giành vị thế, hy vọng kiểm soát những gì còn lại của nguồn tài nguyên trên thế giới. Thủy điện sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng các dự án đập thủy lợi mới có thể dẫn đến chiến tranh vì một yếu tố then chốt cho sự sống còn của con người – quyền tiếp cận với nguồn nước sạch và trong lành.

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Siêu bão/Lốc xoáy

SỨC TÀN PHÁ CỦA SIÊU BÃO FANI

Sức tàn phá của siêu bão FANI khi đánh vào miền Đông Ấn Độ và Bangladesh. Tin chính thức hôm qua cho biết 2,1 triệu người Bangladesh đã phải di tản khỏi nhà của mình. Như vậy,...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Dịch bệnh

TIN MỚI NHẤT VỀ NCOV: CÓ THỂ ĐÃ CÓ HAI CHỦNG CORONAVIRUS XUẤT HIỆN TRÊN TOÀN CẦU

Phân tích gene biến chủng coronavirus cho thấy, loại virus này đã có mặt ở Mỹ từ ngày 19/1/2020, tức là 6 tuần lễ sau khi dịch bùng phát ở bang Washington. Mọi chuyện đang diễn...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic